Bất chấp bối cảnh toàn cầu đầy rẫy khó khăn, thách thức, thậm chí là rủi ro với nhiều bất ổn địa chính trị, biến động kinh tế thời gian gần đây…thương mại hàng hóa của Việt Nam với một số thị trường "khổng lồ" như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc vẫn đạt được những kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, cả xuất, nhập khẩu, xuất siêu đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Theo thống kê của Bộ Công thương, 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Australia đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Trong đó, 5 thị trường lớn và có mức tăng ấn tương nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hồng Kông (Trung Quốc).
Điển hình, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 34,12 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng lớn được xuất sang người "khổng lồ" này đều có mức tăng trưởng lên đến 2 con số. Đầu tiên có thể để đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 43,8%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,81 tỷ USD, tăng 21,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,66 tỷ USD, tăng 31,9%; giày dép các loại đạt 2,4 tỷ USD, tăng 14,2%...
Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hoá giữa Việt Nam – Trung Quốc diễn ra sôi động, đưa kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm đạt 17,7 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 1,74 tỷ USD). Với kết quả trên, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam, sau thị trường Hoa Kỳ. Đáng chú ý, hết tháng 4 đã có 5 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang quốc gia láng giềng này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 3 nhóm so với cùng kỳ 2023.
Kế tiếp đó phải để đến thị trường châu Âu (EU) với con số xuất khẩu ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15% , trong khi cùng kỳ giảm 10,8%, xuất siêu ước đạt 11,4 tỷ USD, tăng 16,7%. Tiếp đến là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4% , trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 13%; Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%;…
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam
Đánh giá và nhận định về thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng trở lại và ngày càng tăng cao qua các tháng cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng khi Fed đang đi đến giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất; sức mua và niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đang tăng trở lại. Và trong bối cảnh này, chúng ta có cơ sở để hy vọng, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh của nước ta như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử…sẽ đạt được những con số "đẹp" hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nhấn mạnh, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đang trên đà phục hồi rõ nét hơn ở các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản. Từ nay đến cuối năm, khi các nước này tăng chi tiêu cho tiêu dùng hàng hóa, từ đồ điện tử, máy móc thiết bị cho tới giày dép, quần áo, nông thủy sản. ..sẽ là các yếu tố thúc đẩy cho tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa từ nước ta. Đây chính là động lực tích cực cho các doanh nghiệp dồn lực cho sản xuất, kỳ vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm tăng tốc, bứt phá.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU…sẽ đan xen cả thuận lợi và thách thức. "Nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường trọng điểm của Việt Nam nói riêng đang ngày càng phục hồi, lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm, thúc đẩy nhu cầu thị trường lên cao. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt đang tận dụng hiệu quả các FTA, duy trì nhiều lợi thế trong hoạt động thương mại, đầu tư. Đó là những thuận lợi cần nắm bắt", Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định.
Ở chiều ngược lại, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác...là những nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của nước ta trong thời gian tới. Do đó chúng ta cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó.
Ở góc độ cơ quan quản lý, để dồn sức cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu đạt 377 tỷ USD, tăng trưởng 6%, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta và khuyến nghị kịp thời đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu./.